Óc sáng tạo trong công việc

Hong nga

Thanh viên kỳ cựu
Duy Đoàn chuyển ngữ

Vào ngày 4/7, đó là một buổi cuối tuần năm 1994, trong lúc lái chiếc Chevy Blazer đời 1988 đi cùng với vợ, một kĩ sư máy tính tên là Jeff Bezos đã đặt nền tảng cho cuộc cách mạng lĩnh vực bán lẻ. Hồi đó thì Internet chỉ là công cụ dành cho người trong cuộc, phần lớn hoạt động còn giới hạn trong phạm vi chính phủ và các tổ chức học thuật. Nhưng sau nhiều tháng quan sát kĩ càng về công dụng của Internet, Bezos đã tiên liệu được mạng lưới này sẽ bành trướng rất khủng khiếp và có thể len vào đời sống hàng ngày của mọi người. Ông phác thảo ngay trên xe bản kế hoạch kinh doanh cho một dự án sẽ hiện thực hoá hướng nhìn đó: ông hiểu Internet có thể làm tăng mức hiệu quả của hệ thống buôn bán qua thư từ, và bắt đầu bằng việc bán sách.

Khi thực hiện bước đi táo bạo ấy, Bezos và vợ, Mackenzie, đã rời bỏ công việc lương cao ở New York về mảng tài chính để tạo dựng một nhà sách bán qua Internet đặt trụ sở tại Seattle. Họ gọi nó là “Amazon”, đặt tên theo con sông Nam-mĩ dài bất tận với nhiều nhánh khác nhau. Sau vài tháng thử nghiệm và không quảng cáo chút gì, công ti bắt đầu có được tiền doanh thu $20,000 mỗi tuần. Chỉ trong vài năm, Amazon trị giá hàng tỉ USD. Bezos đã thay đổi mãi mãi cách thức mua hàng của mọi người và tạo nên ảnh hưởng trường tồn trong giới kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp toàn cầu, Amazon.com là mô hình của sự cách tân. Tuy thế sáng tạo có thể đạt được bằng nhiều hình thức. Hãy thử xem xét các mặt hàng nhãn hiệu Swifter của Procer & Gamble: các loại giẻ lau sàn, máy quét và chổi lau bụi được định nghĩa lại dựa trên cách nhìn nhận đơn giản là việc lau chùi sẽ trở nên dễ dàng hơn và hứng thú hơn nếu dùng các bộ phận có thể vứt đi sau khi sử dụng. Nhà thiết kế Gianfranco Zaccai của Herman Miller và đội ngũ của anh được cho là đã sáng tạo nên Swifter, một nhãn hàng gặt hái được hơn 500 triệu USD doanh thu hàng năm.

Cách tân là điều quan trọng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Nó nâng cấp sự nghiệp của các đầu bếp, hiệu trưởng trường đại học, các nhà trị liệu tâm lí, thanh tra cảnh sát, nhà báo, giáo viên, kĩ sư, kiến trúc sư, luật sư và cả bác sĩ giải phẫu, cùng nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác. Tư duy sáng tạo có thể góp phần trực tiếp chuyển sang giai đoạn thăng tiến trong sự nghiệp cũng như đạt được một số thành quả về tài chính. Trong hoàn cảnh kinh tế không thuật lợi, sáng tạo trong công chuyện làm ăn thậm chí có thể gây ra sự khác biệt giữa sống sót và thất bại.

Các nhà tâm lí học nhìn chung định nghĩa sáng tạo chính là tạo ra những việc làm hữu ích và tiến hành thực hiện ý tưởng mới mẻ. Ở sở làm thì người ta có thể mô tả sáng tạo là việc theo đuổi hết mình và tiến hành thực hiện những điều mới mẻ dẫn đến những kết quả tương đối hữu dụng. Theo nhiều nghiên cứu trong suốt vài thập niên vừa qua, các nhà tâm lí học đã cố vén mở tấm màn bí ẩn của tính sáng tạo đặc biệt trong nghệ thuật hoặc trong khoa học, xem xét đến những người thuộc dạng đó như Pablo Picasso, Mozart, Virginia Woolf, anh em nhà Wright và Albert Einstein. Những nghiên cứu đó, cùng với những nghiên cứu khác đi sâu vào nguồn ngốc của những cách thức giải quyết vấn đề hàng ngày, đã phát hiện ra các yếu tố về di truyền, xã hội và kinh tế (cũng như những hoàn cảnh may mắn) chính là những thứ góp phần cho tư duy sáng tạo.

Mặc dù sáng tạo từ lâu được xem là khả năng thiên phú của thiểu số người chọn lọc, nhưng giờ đây các nhà tâm lí học đã hé lộ cho biết những mầm mống khởi tạo nên các quá trình xử lí trong trí óc của tất cả mọi người chúng ta, chẳng hạn như việc đưa ra quyết định, ngôn ngữ và kí ức. Do đó, chúng ta có thể nâng cao tiềm năng sáng tạo của bản thân. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự hứa hẹn về các kĩ thuật có thể phân nhỏ ra những cách nhìn nhận cố hữu của con người về thế giới bên ngoài cũng như các chiến lược khích lệ quá trình tư duy vô thức. Hãy đọc tiếp để thử những cách đó tại nhà – hay tại sở làm.

Tâm trí cởi mở

Những nhân vật biểu tượng cho sáng tạo như Bezos, Steve Jobs đã quá cố, Martha Stewart, Steve Ells (người sáng lập chuỗi nhà hàng Chipotle Mexican Grill đạt nhiều thành công rực rỡ) và một số người khác chính là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp và các chuyên gia mài dũa thêm kĩ năng sáng tạo. Các cá nhân và công ti thường dùng những buổi hội thảo về sáng tạo, những buổi động não, mấy cuốn sách tự trợ, những đoạn phim huấn luyện và thậm chí cả thôi miên để có thể đạt được những cải thiện về sáng tạo. Người ta vẫn chưa rõ những phần thực hành như thế có thể tác động tạo nên bước nhảy sáng tạo hay không. Tuy thế, các nhà tâm lí học và khoa học thần kinh đã có được một số phát hiện quan trọng giúp ta hiểu được những trạng thái tinh thần giúp ích cho tư duy sáng tạo.

Khi người ta nói đến tính sáng tạo thì nhìn chung họ sẽ nghĩ đến chuyện cho ra đời các ý tưởng mới mẻ. Tạo ra ý tưởng thật sự là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình sáng tạo. Để đạt được những ý tưởng mới nhằm vươn tới mục tiêu thì đại khái bạn cần có tâm trí rộng mở, phóng khoáng – tức là cần có thật ít qui luật và ràng buộc ảnh hưởng đến tâm trí bạn. Vào năm 2009 nhà khoa học thần kinh Sharon Thompson-Schill thuộc trường University of Pennsylvania và đồng nghiệp của bà đã giả định rằng cảm hứng sáng tạo có thể hưởng lợi từ trạng thái kiểm soát nhận thức ở tầm thấp hơn – tức là tư duy và hành vi của bạn ít bị hạn chế hơn.

Càng tư duy tẻ nhạt và theo qui luật thì tư duy đó càng có liên hệ với sự bùng nổ hoạt động ở vỏ não trán trước, một vùng nằm ở bề mặt não bộ phía sau trán có chức năng điều tiết những quyết định, tư duy và hành động của bạn. Khi bạn vứt bỏ đi các qui luật hoặc xoá nhoà trọng tâm chú ý của mình thì khu vực này hoạt động thầm lặng hơn. Nhóm của Thompson-Schill gọi trạng thái phát sinh này là hypofrontality (tình trạng giảm hoạt động chức năng ở vùng trán) và đặt ra giả thuyết trong số những đặc điểm nhận thức thì đặc điểm này giữ nhiều lợi ích giúp cho việc học ngôn ngữ và tư duy sáng tạo.

Giữa thập niên 1990, các nhà nghiên cứu tìm thấy được những gợi ý đầu tiên về hypofrontality khi họ đo mức hoạt động điện năng trong não bộ của những người sản sinh ra ý tưởng mới. Bằng cách đặt sóng điện lên thái dương, các nhà khoa học có thể bắt được cảm thức của “trạng thái não bộ” ở con người, chẳng hạn như thức hay ngủ, tập trung hay thư giãn. Khi ai đó tham gia vào công việc cần phải kiểm soát khả năng tri nhận và sự chú ý tập trung – ví dụ như lúc giải toán hay quyết định nên gói ghém những gì cho chuyến đi dã ngoại – thì cái gọi là sóng beta, dao động ở tần số 15 đến 20 hertz, thường là sóng vượt trội hơn cả. Tuy nhiên, khi người ta nảy sinh ra ý tưởng mới thì các nhà nghiên cứu ghi nhận được sóng alpha ở vùng vỏ não trán trước. Những sóng có tần số 8 đến 12 hertz này là dấu hiệu điển hình cho trạng thái tỉnh thức thanh thản hoặc chú ý lan man đâu dó. Sự hiện diện này do vậy củng cố thêm quan niệm rằng việc sản sinh ý tưởng có liên hệ với trạng thái kiểm soát tri nhận ở mức độ thấp hơn.

Quan điểm này cũng thích hợp khi xét đến hành vi của các bệnh nhân có thuỳ trán trước bị thoái hoá một phần do chứng sa sút trí tuệ trán-thái dương (frontotemporal dementia) hay các chứng rồi loạn khác tương tự. Những người này cho thấy họ bị suy tổn nghiêm trọng trong việc kiểm soát ý nghĩ và hành động nhưng lại có thể trải nghiệm được khả năng sáng tạo tự nhiên về âm nhạc hay nghệ thuật mà họ không hề có lúc chưa lâm bệnh.

Nhiều dữ liệu gần đây càng củng cố thêm trường hợp quan trọng của hypofrontality trong vai trò sáng tạo hàng ngày. Trong một nghiên cứu công bố năm 2011, Thompson-Schill và tôi cho những người tham gia thí nghiệm xem hình về mấy đồ vật thông thường (chẳng hạn như khăn giấy) và yêu cầu họ cho chúng tôi biết công dụng bình thường (như lau mũi) hay một ứng dụng bất thường (dùng để đệm trong gói hàng) của từng món dồ. Những người nào tìm ra được các công dụng lạ thường cho những vật dụng đó thì lại có rất ít hoạt động ở những vùng thuộc não bộ trán trước và tăng cường hoạt động ở các vùng não bộ phía sau vốn có đặc điểm chịu trách nhiệm cho các kĩ năng nhận biết hình ảnh và không gian. Ngược lại, những người nghĩ đến các công dụng điển hình lại cho thấy mẫu hình hoạt động ngược lại ở não bộ. Do đó, việc sản sinh ra các ứng dụng mới mẻ cho đồ vật dường như cũng hưởng lợi từ việc ít chắt lọc hơn nguồn tri thức và kinh nghiệm, điều này giúp con người xem xét được rất nhiều câu trả lời khả dĩ khác nhau.

image74.jpg


Hình 1. Việc tạo ra các ứng dụng mới mẻ cho các món đồ – chẳng hạn như cách dùng mấy miếng giấy dán tường như thế này để tạo thành bức bích hoạ – dường như cũng hưởng lợi từ việc ít chắt lọc hơn nguồn tri thức và kinh nghiệm. Màng lọc trí não chỉ có những lỗ nhỏ li ti sẽ giúp ta xem xét được nhiều giải pháp khả dĩ hơn.

Hơn nữa, những ý tưởng cách tân có thể có được khi chú ý đến những đặc tính hình ảnh của sự vật, chẳng hạn như hình dạng, kích cỡ và cấu tạo vật liệu. Thay vì nêu bật nguồn tri thức trước đây, não bộ bước vào trạng thái nhấn mạnh những yếu tố tri giác thường bị người ta lờ đi.

Các nhà khoa học có thể sao chép trạng thái não bộ này bằng cách đặt kích thích điện năng lên vùng thái dương và do đó cải thiện được năng lực giải quyết vấn đề. Các dữ liệu này đem lại lòng tin cho ý tưởng cho rằng hoạt động ở vùng vỏ não trán trước giảm dần, đặc biệt ở phần trái não bộ, chính là nền tảng cho một phần quan trọng của quá trình sáng tạo.

Kiểm soát tư duy

Ngoài việc sản sinh ý tưởng, tính sáng tạo thực sự còn liên quan đến việc đánh giá các lựa chọn, có được lựa chọn tốt nhất và tiến hành kế hoạch hiện thực hoá tầm nhìn đó. Quá trình đánh giá này, giai đoạn quan trọng thứ nhì trong tư duy sáng tạo, liên quan đến một trạng thái đầu óc trong đó màng lọc nhận thức ở vỏ não trán trước ở chế độ bật lên thay vì tắt đi. Trong một nghiên cứu công bố năm 2011, nhà tâm lí học Kalina Christoff của trường University of British Columbia và đồng nghiệp của bà đã yêu cầu các sinh viên đại học từ trường Emily Carr University of Art + Design ở Vancouver tạo minh hoạ cho bìa sách bằng loại máy tính bảng đặc biệt dùng vẽ hình trong khi được đưa vào máy quét não bộ. Các sinh viên được yêu cầu tìm ra ý tưởng cho bản phác thảo trong vòng 30 giây, sau đó bỏ 20 giây ra đánh giá những gì họ vừa phác thảo nên. Các nhà nghiên cứu thấy rằng vùng vỏ não trán trước hoạt động nhiều hơn các vùng khác trong suốt quá trình đánh giá, điều này cho thấy mạng lưới xử lí và kiểm soát, vốn có chức năng lọc dữ liệu và nỗ lực kiềm hành vi lại, tham gia nhiều hơn trong suốt giai đoạn đánh giá của quá trình sáng tạo.

Những người sáng tạo do vậy có thể là những người có năng lực điều chỉnh tăng cường hoặc giảm tải hệ thống tri nhận và kiểm soát tuỳ vào tình huống đòi hỏi ra sao – một kĩ năng được cho là tính linh động trong tri nhận. Trong một nghiên cứu năm 2010, Darya Zabelina và Michael Robinson, đều thuộc trường North Dakota State University, ban đầu đánh giá tính sáng tạo của 50 sinh viên tốt nghiệp bằng cách dùng các bài kiểm tra dùng giấy và viết chì theo chuẩn mực bình thường, sau đó đo lường năng lực kiểm soát tri nhận bằng tác vụ Stroop. Trong tác vụ này, người ta đưa cho các sinh viên một danh sách các từ ngữ chỉ màu sắc (“vàng”, “xanh lam”, “đỏ”, v.v.) nhưng màu sắc hiện ra ở mặt chữ lại không khớp với từ đó. Mục tiêu là nói rõ màu sắc của từ bất chấp từ đó ghi gì. Công việc này đo lường xem một người có khả năng sàng lọc thông tin không phù hợp tốt đến mức nào để tập trung vào thứ quan trọng, đây là đặc điểm chính yếu của việc kiểm soát tri nhận. Mặc dù nhìn chung những người sáng tạo lẫn không sáng tạo đều thực hiện công việc này như nhau nhưng những người sáng tạo lại làm tốt hơn mỗi lần chuyển từ cách kết hợp trùng khớp (ví dụ như từ “đỏ” xuất hiện với chữ đỏ) sang cách kết hợp chọi nhau (từ “đỏ” xuất hiện với mặt chữ xanh lam). Các kết quả này chỉ ra rằng người sáng tạo có tính linh động tri nhận cao hơn, do đó có thể hỗ trợ cho khả năng sản sinh ra ý tưởng mới lẫn khả năng biến những ý tưởng này thành hành động.

Các nhà tâm lí học đã khám phá được nhiều cách mở rộng tính sáng tạo của chúng ta, cải tiến kho kĩ thuật giúp đẩy mạnh việc sản sinh và tiến hành thực hiện ý tưởng. Một số phương pháp như thế sẽ xuất hiện trong những phần tiếp theo.

image73.jpg


Hình 2. Nếu đang đánh vật với một dự án đầy gian khó trong công việc thì hãy nghỉ ngơi một lát. Nghỉ xả hơi có thể làm lay động mở ra những ý nghĩ sáng tạo, đặc biệt nếu bạn chọn cách làm gì khác với những gì liên quan công việc.

Chống đẩy tinh thần

Những bài tập luyện làm thay đổi lối nghĩ thông thường của con người nhằm giúp họ có được nếp suy nghĩ sáng tạo. Ví dụ như một phiên bản của nhiệm vụ tìm công dụng thay thế như mô tả trước đó có thể khiến người ta nghĩ lại cách phân loại đồ vật. Trong một nghiên cứu công bố năm 2006, các đồng nghiệp và tôi đã yêu cầu các sinh viên đại học trong vòng 15 phút hay tạo ra sáu công dụng khác nhau cho 12 món đồ thường ngày. Sau đó chúng tôi yêu cầu họ tìm giải pháp cho các vấn đề thực tế, chẳng hạn như gắn cây nến đứng thẳng trên tường bằng cách dùng một hộp diêm và một hộp đinh đầu bẹt. (Gợi ý: hãy nghĩ đến dùng cái hộp như mặt nền.) Đối với một số sinh viên, những món đồ trong nhiệm vụ đầu tiên có liên hệ với các vấn đề thực tế; còn những sinh viên khác thì không thấy thế. Tuy thế, hai nhóm này đều giải quyết vấn đề thực tế tốt như nhau và cả hai nhóm đều giải quyết đáng kể nhiều vấn đề hơn các sinh viên không hoàn thành nhiệm vụ tìm công dụng thay thế. Do vậy, nhiệm vụ huấn luyện nhìn chung có vẻ hữu ích cho những sinh viên tham gia hơn, đặt họ vào trạng thế suy tư đúng đắn để có được cách giải quyết vấn đề sáng tạo.

Mô tả đồ vật theo những cách lạ thường có thể là phương pháp khác nhằm đẩy mạnh tính sáng tạo – ví dụ như thay vì tập trung vào chức năng thì mô tả theo đặc điểm. Trong một nghiên cứu năm 2012, nhà tâm lí học Tony McCaffrey thuộc trường University of Massachusetts Amherst rèn luyện các sinh viên định nghĩa khái quát các đồ vật theo hình dáng, kích cỡ và vật liệu. Cây nến có thể được mô tả là thứ có sáp và bấc hay, thậm chí còn mơ hồ hơn nữa, là thứ gồm có đoạn dây và khối lipid dạng hình trụ. McCaffrey khuyến khích sinh viên tự hỏi bản thân, “Liệu tôi có thể phân nhỏ định nghĩa thêm nữa hay không?” và “Liệu mô tả của tôi có hàm ý một công dụng cụ thể nào đó không? Những sinh viên tham gia tiếp nhận phần rèn luyện này đã cho thấy khả năng giải quyết vấn đề tăng lên 67 phần trăm so với những người không tiếp nhận phần rèn luyện đó. Có một lí do giải thích cho lợi thế đó: các sinh viên có thể chú ý nhiều hơn đến những đặc điểm ít người để tâm đến của vấn đề, đó vốn là điều cần thiết để họ có thể đưa ra giải pháp.

Thực hiện những công việc thông thường theo trình tự khác thường cũng có thể làm quá trình tư duy bình thường của bạn rối tung lên và do đó nâng cao những triển vọng sáng tạo. Trong một nghiên cứu năm 2012, nhà tâm lí học Simone Ritter thuộc trường Radboud University Nijmegen và đồng nghiệp của bà đã yêu cầu một nhóm sinh viên chuẩn bị bánh sandwich cho bữa sáng kèm với bơ và chocolate (kiểu kết hợp thường thấy ở Hà-lan). Một nửa số sinh viên làm món sandwich theo cách bình thường, những người còn lại được khuyến khích nên làm theo trình tự bất thường. Sau đó toàn bộ sinh viên được cho hai phút để tạo ra các công dụng của một viên gạch và thêm hai phút nữa để tìm kiếm càng nhiều đáp án càng tốt cho câu hỏi “Cái gì tạo ra âm thanh?” Những người làm sandwich theo cách khác với thói thường có thể tìm ra nhiều dạng đáp án khác nhau hơn và do đó đạt nhiều điểm hơn về tính linh động tri nhận – các nhà nghiên cứu đưa ra lí thuyết cho rằng kiểu hoạt động như thế xâm hại đến kì vọng của con người.

Nếu các bài tập trí não không giúp bạn có đủ ý tưởng hay, hãy thử hoà mình vào vô thức. Có một mẹo đạt được sự chuyển dịch sức mạnh tinh thần này, đó là hãy ngủ khi gặp vấn đề. Cụ thể thì có một giai đoạn trong giấc ngủ mà người ta gọi là chuyển động mắt nhanh (rapid eye movement) hay còn gọi là ngủ mơ có thể giúp bạn thiết lập mối quan hệ giữa các ý tưởng xa xăm. Những mối liên kết này có thể đem lại giải pháp cho những vấn đề hóc búa đánh đố bạn ngay trước khi bạn làm một giấc.

Những ích lợi tương tự cũng có thể có được khi bạn để tâm trí mình lượn lờ đâu đó hoặc cố tình làm bản thân xao lãng đi. Trong một nghiên cứu năm 2006, nhà tâm lí học Ap Dijksterhuis, cũng thuộc trường Radboud University, và đồng nghiệp của ông đã yêu cầu người tham gia hãy tạo ra những tên gọi mới cho các sản phẩm. Những người cứ hay chuyển sang làm việc khác thì suy nghĩ ra được nhiều tên gọi độc đáo hơn so với những người cứ chúi đầu suy nghĩ về vấn đề đó. Trong những nghiên cứu sau đó, nhóm của Dijksterhuis chứng minh quá trình xử lí vô thức có thể tạo ra câu trả lời cho những vấn đề cực khó mà bình thường cần phải tìm kiếm khắp nguồn tri thức được lưu trữ thì mới có câu trả lời. Những kết quả như thế đề xuất ý rằng nếu bạn mắc kẹt ở một vấn đề khó khăn nào đó thì nghỉ ngơi và làm chuyện khác sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều.

Những gì bạn làm trong lúc nghỉ ngơi cũng là điều quan trọng. Trong một nghiên cứu năm 2009, nhà tâm lí học Sophie Ellwood thuộc Center for the Mind ở Sidney và đồng nghiệp của bà đã yêu cầu những người tham gia thí nghiệm suy nghĩ về các công dụng của một tờ giấy, càng nhiều càng tốt. Một số người thực hiện nhiệm vụ này liên tục trong bốn phút; những người khác thì sau hai phút sẽ ngừng lại và làm nhiệm vụ tương tự (nghĩ về các từ đồng nghĩa) trong vòng năm phút trước khi trở lại với nhiệm vụ tờ giấy. Nhóm thứ ba thì dùng giờ nghỉ để hoàn tất bảng câu hỏi về tính cách. Những người nào ngưng lại một chút thì sẽ tạo ra nhiều công dụng cho tờ giấy hơn những người làm liên tục, nhưng những ai thực hiện công việc khác không liên quan đến việc ban đầu lại là những người làm tốt công việc sáng tạo nhất.

Giữ khoảng cách

Nhiều nhân tố cảm xúc và xã hội khác cũng có thể thúc đẩy tư duy sáng tạo. Một trong số các nhân tố đó là hãy nghĩ đến vấn đề như thể nó ở rất xa bản thân mình, theo nghĩa khoảng cách vật lí. Nhà tâm lí học Lile Jia của trường Indiana University Bloomington và đồng nghiệp đã đưa cho sinh viên các bài toán thực tế tương tự cái liên quan đến ngọn nến như đã trình bày trước đó. Họ bảo với sinh viên là phản ứng của những người tham gia thí nghiệm này sẽ được thu thập lại giao cho các nhà khoa học thuộc một trường đại học cách đó hàng ngàn dặm và bảo các sinh viên khác rằng nhóm nghiên cứu tại chính trường đại học này sẽ nhận lấy kết quả thí nghiệm này. Nhóm thứ ba thì không hề biết gì về nơi đến của kết quả thí nghiệm. Đáng chú ý là những sinh viên nào nghĩ mình đang giải quyết vấn đề phục vụ cho một nghiên cứu xa xôi nào đó thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề gấp đôi so với các sinh viên còn lại. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết là khoảng cách tâm lí đã khiến cho sinh viên tiếp cận vấn đề dưới dạng trừu tượng hơn, do vậy mà có thể dễ dàng đưa ra giải pháp.

image72.jpg


Hình 3. Thường thì làm việc một mình là cách tốt nhất để tìm ra giải pháp sáng tạo. Một khi có được vài ý tưởng thì việc giao lưu, tương tác ngẫu nhiên với người khác có thể giúp bạn phát triển các ý tưởng đó.

Tạo khoảng cách thời gian đối với bản thân cũng có thể giúp ta đẩy mạnh sự cách tân. Nhà tâm lí học Nira Liberman thuộc trường Tel Aviv University và đồng nghiệp đã yêu cần người tham gia thí nghiệm hình dung bản thân mình đang ở trong tương lai một ngày tới hoặc một năm tới. Sau đó các nhà nghiên cứu đưa ra một loạt vấn đề cho họ giải quyết và yêu cầu họ tưởng tượng bản thân đang cố gắng giải quyết vấn đề đó vào một thời điểm trong tương lai như vừa mới hình dung. Những người hình dung bản thân đang ở một thời điểm tương lai xa xôi thì giải quyết nhiều vấn đề đáng kể hơn những ai chỉ đơn giản hình dung mình đang ở thời điểm một ngày tới.

Ngoài khoảng cách tâm lí, khoảng cách vật lí với người khác cũng giúp tăng cường kết quả sáng tạo. Mặc dù việc vận dụng trí tuệ tập thể được nhiều người cho là hữu ích, nhưng việc đó chỉ có lợi sau khi bạn đã tự mình tìm ra được một vài giải pháp cho một vấn đề phức tạp. Ngoài ra, việc động não sẽ có tác dụng tốt hơn trong bối cảnh giao lưu bất chợt, nhanh chóng và không hoàn toàn sắp đặt trước, chẳng hạn như buổi gặp ăn trưa hay buổi gặp bạn bè bình thường thay vì tổ chức những buổi họp mặt dài có tổ chức qui củ. Tương tác giữa nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau – như những người thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng lại có liên hệ với nhau, hoặc những người làm việc tại những chỗ khác nhau – sẽ đặc biệt có ích cho việc đẩy mạnh tổng hợp và phát triển ý tưởng mới.

Nhưng cho dù tư duy của ta có giàu sức tưởng tượng ra sao đi nữa, ta vẫn phải vượt qua một trở ngại chính yếu: sợ mạo hiểm. Người ta có xu hướng theo những lối đi an toàn, tuy vậy sự an toàn khó có thể dẫn đến các giải pháp mới mẻ triệt để. Bezos và vợ không chỉ tạo ra được ý tưởng Amazon. Họ cũng phải sẵn lòng giũ bỏ nghề nghiệp hiện tại để theo đuổi một tương lai không chắc chắn. Giữa vòng vây những hạn chế về tài chính cũng như hạn chế về thực tế lẫn nghề nghiệp ở hầu hết các sở làm, chưa nói đến những ưu tư khác về đời sống, thì việc từ bỏ một giải pháp không chỉ vừa ý mà còn an toàn để theo đuổi một ý tưởng mới có thể là thách thức lớn nhất trong việc tận dụng tiềm năng sáng tạo. Như Bezos đã từng nói, “Cách tân là làm mọi thứ rối lên (Innovation is disruption)”.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20121110

Nguồn: Chrysikou, Evangelia G. “Your Creative Brain at Work.” Scientific American Mind, July/August, 2012: 24-31.

image71.jpg
 

Bình luận bằng Facebook

Top